LỘ TRÌNH PHÁT TRIỂN NGHỀ NHÂN SỰ

Theo US News & World Report, vị trí Chuyên gia nhân sự xếp hạng thứ 17 trong danh sách các công việc tốt nhất và là một trong 100 công việc tốt nhất năm 2020. Tại Việt Nam trong những năm gần đây, theo đuổi nghề Nhân sự đang dần trở thành xu hướng của giới trẻ khi lựa chọn nghề nghiệp cho mình.

Tổng quan về nghề Nhân sự

Nghề Nhân sự là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả một tập hợp các nhiệm vụ nhằm quản lý hiệu quả nguồn nhân lực của tổ chức bao gồm các hoạt động giám sát, quản lý con người từ việc hoạch định chiến lược đến việc thực thi các chức năng theo vòng đời của nhân sự nhằm đạt được các mục tiêu của tổ chức.

Trong môi trường cạnh tranh như hiện nay, quản lý nguồn nhân lực là yếu tố vô cùng quan trọng và mang tính quyết định để duy trì sự tồn tại và phát triển trên thị trường toàn cầu. Các tổ chức có thể sao chép các quy trình, vật liệu và cấu trúc của các tổ chức thành công khác, nhưng chỉ có đội ngũ tài năng mới mang lại lợi thế cạnh tranh cho tổ chức trước đối thủ cạnh tranh.

Lộ trình phát triển sự nghiệp

Cơ cấu tổ chức nhân sự được xây dựng dựa trên quy mô Công ty. Bạn có thể tham khảo lộ trình phát triển nghề nghiệp của một Chuyên viên Nhân sự qua biểu đồ tiến trình sự nghiệp như dưới đây:

Các công ty lớn sẽ có chức năng nhân sự rõ ràng và phân chia các mảng công việc cụ thể bao gồm:

  • Thu hút Tuyển dụng Nhân tài

  • Đào tạo và Phát triển cho tới Lương

  • Thưởng và Phúc lợi

  • Quan hệ lao động

Theo đó, từ vị trí Chuyên viên Nhân sự phụ trách một chức năng cụ thể, bạn có thể phát triển lên các vị trí quản lý cấp cao hơn bao gồm:

  • Trưởng nhóm

  • Trưởng Bộ phận

  • Giám đốc Bộ phận chức năng

Và nấc thang cao nhất bạn có thể vươn tới đó chính là vị trí Trưởng ban Nhân sự (CHRO). Đối với các Công ty vừa và nhỏ hay các tổ chức Startup, con đường phát triển sự nghiệp nhân sự về cơ bản cũng sẽ tương tự như ở các Công ty lớn. Tuy nhiên, sẽ có một điểm khác biệt là tại đây, mỗi vị trí trong nấc thang sự nghiệp có thể sẽ phụ trách tổng hợp các chức năng nhân sự.

Bạn có thể tham khảo thông tin sơ lược về các vị trí chuyên môn hiện có như dưới đây:

Chuyên viên Nhân sự

Chuyên viên Nhân sự phụ trách thực thi các công việc trong vòng đời một nhân viên từ quá trình tuyển dụng đầu vào, đào tạo, phát triển nhân viên, chi trả lương, thưởng, phúc lợi cho tới giải quyết các vấn đề quan hệ lao động. Dù bạn làm việc ở vị trí Nhân sự tổng hợp hay Chuyên viên phụ trách một mảng cụ thể, bạn đều có cơ hội phát huy các thế mạnh về kiến thức, kỹ năng chuyên môn của mình trong lĩnh vực nhân sự.

Vị trí này yêu cầu ứng viên tốt nghiệp Đại học trở lên và có từ 2 – 3 năm kinh nghiệm trở lên trong lĩnh vực Nhân sự.

Trưởng nhóm Nhân sự

Trưởng nhóm Nhân sự chịu trách nhiệm đảm bảo các hoạt động vận hành được triển khai đúng kế hoạch, đúng quy định cũng như đảm bảo tính tuân thủ.

Vị trí này yêu cầu ứng viên tốt nghiệp Đại học trở lên các chuyên ngành liên quan và có từ 3 – 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nhân sự.

Trưởng phòng Nhân sự

Trưởng phòng Nhân sự chịu trách nhiệm triển khai chiến lược nhân sự đảm bảo tổ chức có đủ người, đúng thời điểm với chi phí phù hợp nhất. Hơn thế nữa, vị trí này đóng vai trò là đối tác chiến lược, cung cấp các giải pháp nhân sự giúp tổ chức đạt được các mục tiêu về tài chính, khách hàng cũng như các vấn đề quản trị nội bộ.

Vị trí này yêu cầu ứng viên tốt nghiệp Đại học trở lên chuyên ngành Quản trị Nhân sự hoặc liên quan và có từ 5-7 năm kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực Nhân sự.

Giám đốc Nhân sự

Giám đốc Nhân sự chịu trách nhiệm xây dựng và hoạch định chiến lược nhân sự phù hợp với chiến lược kinh doanh của tổ chức từng thời kỳ để giữ vững lợi thế cạnh tranh, thu hút và giữ chân nhân tài, xây dựng môi trường làm việc tạo điều kiện phát triển và gắn kết các nhân viên, định hình các giá trị văn hóa doanh nghiệp, hướng tới sự phát triển bền vững.

Vị trí này yêu cầu ứng viên tốt nghiệp Thạc sỹ chuyên ngành Quản trị Nhân sự hoặc Quản trị kinh doanh, có từ 10 – 15 năm kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực Nhân sự.

Tạm kết

Nếu bạn quan tâm và mong muốn phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực Nhân sự, nhưng vẫn còn đang phân vân và chưa có một hình dung rõ ràng thì hy vọng bài viết này giúp bạn có cái nhìn tổng quan về con đường bạn sẽ đi để đạt được mục tiêu nghề nghiệp của mình.

Trên thực tế, sẽ không có một lựa chọn hoàn hảo hay một lộ trình bất biến cho tất cả những ai theo đuổi nghề nhân sự. Điều quan trọng bạn cần hiểu rõ bản thân để đưa ra một lựa chọn phù hợp nhất.

Bạn cũng có thể tham khảo thêm bài viết về chủ đề định hướng nghề nghiệp và công cụ đánh giá nghề nghiệp hoặc tham gia làm bài trắc nghiệm nghề nghiệp miễn phí để xác định một lộ trình phát triển sự nghiệp dựa trên các thế mạnh, nhu cầu và mong muốn của mình.

Những bài trắc nghiệm trên giúp bạn hiểu hơn về các giá trị cốt lõi trong công việc của bản thân, cũng như mở ra cho bạn những hiểu biết về các kỹ năng tạo động lực của mỗi cá nhân. Nhìn chung, bài trắc nghiệm giúp bạn có được sự nhạy cảm về hành vi, tâm lý của con người trong bối cảnh công việc. Đây là sự nhạy cảm thiết yếu đối với những bạn có mong muốn gắn bó với nghề Nhân sự.

Tư liệu tham khảo

  1. HR Career Paths

  2. Entry Level to Executive: An HR Career Path Guide 

  3. What are the Common HR Career Paths?

  4. A Guide to the Human Resources Career Path

  5. HR Development The Comprehensive Guide to HR Career Paths

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *