6 Điểm Cần Lưu Ý Trong Chính Sách Tiền Lương Mới Từ 1/7/2024

Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 của Quốc hội, từ ngày 1/7/2024 sẽ tiến hành cải cách tiền lương trong khu vực công theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018. Hãy cùng K-Outsourcing điểm qua một số điểm đáng lưu ý sau:

6 điểm cần lưu ý trong chính sách tiền lương mới từ 1/7/2024
6 điểm cần lưu ý trong chính sách tiền lương mới từ 1/7/2024

1. Tiền lương trung bình công chức viên chức có thể tăng khoảng 30%

Điểm đáng chú ý của chính sách tiền lương mới là quy định mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực doanh nghiệp.

Hiện nay lương khu vực doanh nghiệp chia làm 4 vùng: Vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 4,16 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 3,64 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 3,25 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức lương thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp hiện nay là hơn 3,9 triệu đồng.

Chính sách tiền lương mới sẽ mở rộng quan hệ tiền lương, theo đó mức lương thấp nhất của công chức, viên chức có thể sẽ tăng khá cao. Cụ thể:

– Mức lương trung bình của công chức viên chức khởi điểm tăng từ hệ số 2,34 lên 2,68.

– Mức lương cao nhất của công chức, viên chức tương ứng với bậc 3 của chuyên gia cao cấp cũng được nới rộng từ hệ số 10 lên 12.

Ngoài mức lương cơ bản này, chế độ tiền lương mới còn sắp xếp lại các loại phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương (có trường hợp cao hơn 30% hoặc thấp hơn 30%) và 10% tiền thưởng.

Nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng thì tiền lương trung bình của công chức, viên chức sau khi thực hiện cải cách tiền lương có thể tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương.

Ngoài ra, chính sách tiền lương mới còn quy định mức lương thấp nhất của khu vực công sẽ bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực doanh nghiệp.

2. Tiếp tục tăng lương thêm 7%/năm từ 2025

Không chỉ thực hiện chế độ lương mới từ ngày 01/7/2024, Chính phủ còn tiếp tục điều chỉnh mức lương trong các bảng lương tăng thêm bình quân khoảng 7%/năm từ năm 2025.

Việc tăng lương thêm 7% là để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP. Chính sách tăng lương bù trượt giá này thực hiện cho đến khi mức lương thấp nhất của khu vực công bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng 1 của khu vực doanh nghiệp.

3. Tiền lương ngành giáo dục sẽ tăng cao hơn so với mặt bằng chung

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, khi thực hiện cải cách tiền lương, mức lương của viên chức giáo dục sẽ cao hơn so với mặt bằng chung của đội ngũ công chức và viên chức khác.

Khi cải cách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm điều chỉnh hỗ trợ để đảm bảo tiền lương (bao gồm cả phụ cấp) của giáo viên được tăng lên tương ứng với yêu cầu và vị trí việc, làm sao vừa bảo đảm mặt bằng tiền lương chung, vừa thể hiện ưu đãi đối với ngành này.

4. 5 bảng lương theo vị trí việc làm áp dụng cho 9 đối tượng

Hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo sẽ được xây dựng để thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới nhưng bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng, gồm 5 bảng lương mới như sau:

  • Một là, bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã.
  • Hai là, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương.
  • Ba là, bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm).
  • Bốn là, bảng lương quân nhân chuyên nghiệp quân đội, chuyên môn kỹ thuật công an.
  • Năm là, bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an (trong đó giữ tương quan tiền lương của lực lượng vũ trang so với công chức hành chính như hiện nay).

Dự tính 5 bảng lương trên sẽ áp dụng với 9 đối tượng gồm: Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo; Công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; Sĩ quan công an; Hạ sĩ quan nghiệp vụ công an; Chuyên môn kỹ thuật công an; Sĩ quan quân đội; Quân nhân chuyên nghiệp; Công nhân quốc phòng; Công nhân công an.

6. 5 nguồn kinh phí để thực hiện cải cách chính sách tiền lương

Theo Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ), nguồn kinh phí để thực hiện chế độ tiền lương từ 5 nguồn, gồm:

  • Thứ nhất, từ nguồn tăng thu và nguồn dư của địa phương đã bố trí cho cải cách tiền lương các năm trước chuyển sang (hằng năm, dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách Trung ương cho cải cách chính sách tiền lương);
  • Thứ hai, từ nguồn ngân sách Trung ương (ngân sách Trung ương bổ sung nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương cho các bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong trường hợp đã thực hiện đúng các quy định nêu trên mà vẫn còn thiếu);
  • Thứ ba, từ một phần nguồn thu sự nghiệp: Đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ tài chính phải tự bảo đảm nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương; đối với đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm một phần chi thường xuyên, tiếp tục sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ (riêng ngành Y tế sử dụng tối thiểu 35% sau khi trừ các chi phí đã kết cấu vào giá dịch vụ), tiết kiệm 10% chi thường xuyên nguồn ngân sách tăng thêm hằng năm và sắp xếp từ nguồn dự toán ngân sách nhà nước được giao để bảo đảm nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương…
  • Thứ tư, từ 10% tiết kiệm tăng thêm chi thường xuyên (thực hiện tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên tăng thêm hằng năm cho đến khi thực hiện khoán quỹ tiền lương trên cơ sở biên chế được cấp có thẩm quyền giao);
  • Thứ năm, từ nguồn do thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2022 và Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2017.

Như vậy, trong các yếu tố cụ thể để thiết kế bảng lương mới đối với cán bộ, công chức viên chức thì mức lương cơ sở sẽ bị bãi bỏ và từ ngày 01/07/2024 sẽ thay mức lương cơ sở là mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.

Theo dõi K-Outsourcing để không bỏ lỡ những thông tin mới nhất về thị trường lao động và việc làm tại Việt Nam cũng như trên thế giới.

GIỚI THIỆU VỀ K-OUTSOURCING

Công ty cổ phần Giải pháp nhân sự và Tư vấn đầu tư K-Outsourcing Việt Nam là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho thuê lại lao động và giải pháp nhân sự cho nhà máy sản xuất và doanh nghiệp lĩnh vực FDI & tài chính – ngân hàng với hệ sinh thái hỗ trợ nâng cao.

Các dịch vụ của KOS bao gồm: Tuyển dụng lao động, cho thuê lại lao động, payroll, tư vấn phát triển nguồn lực.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *